Hội thảo khoa học: Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ

Hội thảo khoa học: Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ

Hội thảo khoa học: Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ

Ngày 25/3/2025, tại huyện Ba Vì, TP. Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ" với quy mô lớn. Hội thảo được tổ chức dưới sự kết hợp giữa các Hội: Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam; Nam y Việt Nam; Quân dân y; Đông y TP. Hà Nội và Viện Nghiên cứu Y Dược học Tuệ Tĩnh.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam; TTND.GS.TS. Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam; PGS.TS. Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y Dược học cổ truyền Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hội Quân dân y Việt Nam; TTND.THS.BS. Nguyễn Văn Dung, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Chủ tịch Hội Đông y TP. Hà Nội; TS. Phạm Văn Trịnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y Dược học Tuệ Tĩnh. Cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, hội viên các Hội - Viện; Cùng các Nhà khoa học, GS, PGS, TS, thầy thuốc, lương y, dược sĩ, đại biểu các doanh nghiệp; Đai biểu huyện Ba Vì có: Hội Người cao tuổi huyện; Trung tâm Y tế huyện; Đài phát thanh huyện và đại diện Hội Người cao tuổi của 31 xã thuộc huyện Ba Vì.

Về phía các đơn vị tài trợ đồng hành có TS. Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Ao Vua. Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam; ThS. Dương Kim Tuyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Dược và Thiết bị y tế Hà Tuyên; TS. Nguyễn Đình Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đông Nam Dược Phúc Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã định nghĩa về sức khỏe: Sức khỏe là "trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật hoặc tật nguyền".

Theo ông, định nghĩa này có giá trị mở rộng các khái niệm về sức khỏe để bao gồm các khía cạnh: Sức khỏe thể chất (bao hàm dinh dưỡng dưỡng sinh, vận động dưỡng sinh); sức khỏe tâm lý tinh thần và sức khỏe môi trường (gồm môi trường xã hội, mô trường tự nhiên).

Trong khi đó, Nghị quyết số 20/NQ-TW của BCHTW Đảng khóa XII về “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” cũng chỉ rõ: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”. "Đây cũng là trách nhiệm, là tôn chỉ mục đích hoạt động của mỗi Hội chúng ta", ông Nguyễn Hồng Quân nhận định.

Trên thực tế, một thực trạng trong lĩnh vực của sức khỏe là vấn đề đột quỵ: Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, với số ca mắc ngày càng gia tăng tại Việt Nam và thường để lại hậu quả nặng nề cho cá nhân, gia đình và xã hội. Việc kết hợp Y học cổ truyền (YHCT) và Y học hiện đại (YHHĐ) cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý đã chứng minh hiệu quả trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị đột quỵ, giúp giảm nguy cơ tái phát và cải thiện phục hồi.

Thực hiện “Chương trình phối hợp trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân”, đã được ký kết giữa 4 Hội: Nam Y, Đông y, Quân dân y và Hội GDCSSKCĐ Việt Nam ngày 27 tháng 12 năm 2024. Ngày 25/3/2025, tại Khu Du lịch Ao Vua, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, các Hội chúng ta phối hợp tổ chức "Hội thảo khoa học: Ứng dụng y học cổ truyền với y học hiện đại và dinh dưỡng vào phòng ngừa đột quỵ" nhằm cập nhật kiến thức mới nhất và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, Hội Nam y Việt Nam phối hợp cùng các hội chuyên môn tổ chức hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Đây cũng là cơ hội để các thầy thuốc trao đổi kinh nghiệm, cập nhật tiến bộ, nâng cao chuyên môn, để áp dụng hiệu quả hơn trong phòng ngừa đột quỵ, chăm sóc người bệnh đột quỵ, phục hồi sức khỏe sau đột quỵ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Ông Nguyễn Hồng Quân bày tỏ: "Hội thảo khoa học của chúng ta có sự tham dự của nhiều các chuyên gia, các GS, TS đầu ngành về các lĩnh vực Y học cổ truyền, Y học hiện đại, các thầy thuốc, lương y có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có hiệu quả trong thực tế phòng ngừa đột quỵ, xử lý các trường hợp bị đột quỵ, chăm sóc và phục hội sau đột quỵ. Những kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn này rất cần được phố biến nhân rộng trong xã hội, và chắc chăn rằng sẽ góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” theo Nghị quyết số 20 của Ban CHTW Đảng khóa XII".

Theo đó, Hội thảo đã mang đến nhiều kiến thức hết sức bổ ích, đây là những kinh nghiệm, trải nghiệm và sự nghiên cứu bài bản của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia,... 

Mở đầu Hội thảo là báo cáo về "Đại cương đột quỵ và các biện pháp phòng ngừa theo Y học cổ truyền và Y học hiện đại" của TTND.GS.TS. Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam. GS cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca bị đột quỵ. Hiện nay, nguy cơ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh thậm chí xuất hiện ở cả những người độ tuổi 20,30. Chính vì vậy, trong bài báo cáo của mình, GS đã nêu lên những vấn đề tổng quan, xoay quanh bệnh đột quỵ, gồm: Định nghĩa về đột quỵ; Phân loại bệnh đột quỵ gây ra do đâu; Dấu hiệu, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán, biến chứng của bệnh đột quỵ và cách phòng tránh;...

Tiếp đến, PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với bài tham luận "Ứng dụng Y học hiện đại trong phòng chống đột quỵ" đã cho người dân biết thêm về cách dự phòng đột quỵ trong Y học hiện đại. PGS cho biết, đột quỵ khá phổ biến hiện nay, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quy. Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quy. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quy cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quy lại tăng lên gấp đôi. Nam giới có nguy cơ bị đột quy cao hơn nữ giới,...

PGS.TS.BS. Nguyễn Đức Chính khuyên rằng, cần khám sức khỏe để sàng lọc, nhất là những người có nguy cơ, giúp phát hiện sớm để xử lý kịp thời giúp giảm nguy cơ tử vong và biến chứng. Y học hiện đại hiện nay áp dụng nhiều kỹ thuật giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh, cùng với nâng cao nhận thức của người dân sẽ hiệu quả trong dự phòng đột quy, nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong và biến chứng bệnh.

Chắc hẳn, sẽ có rất nhiều người băn khoăn về chế độ dinh dưỡng như thế nào cho tốt để phòng chống đột quỵ. Điều này, cũng được PGS.TS.BS. Trần Đình Toán, Trưởng Ban dinh dưỡng Hội GDCSSKCĐ Việt Nam giải đáp tại Hội thảo. PGS nhấn mạnh vào dinh dưỡng phòng tai biến mạch máu não (đột quỵ não - Stroke), ông đã nêu lên những kiến thức vô cùng bổ ích về những nguyên tắc dinh dưỡng, chỉ định dinh dưỡng, chế độ ăn và điều trị,... đối với người bị tai biến mạch máu não.

Cũng đi sâu vào dinh dưỡng cho người đột quỵ, GS.TS DDQT. Lương y Đỗ Sơn Hà, Tổng Thư ký Hội Nam y Việt Nam đã có báo cáo về "Phương thang bổ dưỡng phục hồi chức năng sau đột quỵ". Theo Lương y Đỗ Sơn Hà, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường, dùng thực phẩm không sạch cùng nhiều nguyên nhân khác đã ảnh hưởng trầm trọng sức khỏe của người, từ đó sinh ra các chứng bệnh, trong đó có chứng đột quy. Đột quy có xu hướng ngày càng gia tăng không chỉ với người cao tuổi mà còn cả người trẻ tuổi và để duy trì sự sống, trường thọ người ta cần sử dụng những thực phẩm sạch, các món ăn bổ dưỡng để phòng ngừa và phục hồi chức năng sau đột quỵ. Vì vậy, Lương y đã đưa ra những thực phẩm bổ dưỡng trong phòng ngừa đột quỵ và những lưu ý khi sử dụng thực phẩm, đồng thời đưa ra các phương thang bổ dưỡng giúp phục hồi chức năng sau đột quỵ.

Ngoài ra, Hội thảo đã cùng lắng nghe các báo cáo về: Phương pháp chữa bệnh bằng tư duy hình tượng; Phương pháp dưỡng sinh phòng chống đột quỵ; Ứng dụng khí công và thiền dưỡng sinh vào phòng chống đột quỵ; Dưỡng sinh Tâm thể với việc phòng ngừa đột quỵ và phục hồi sau đột quỵ.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Thản, Phó Ban thường trực, Ban tổ chức Hội thảo chia sẻ: "Trong thời gian 3 giờ làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, chúng ta đã hoàn thành các nội dung đề ra. Chúng ta đã nghe trọn vẹn 7 báo cáo khoa học do các GS, PGS, TS, BS chuyên khoa, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học về Y dược cổ truyền và Y học hiện đại cũng như trong lâm sàng. Các báo cáo khoa học đã truyền tải những thông điệp về tình trạng đột quỵ hiện nay có chiều hướng gia tăng, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng thực phẩm bổ dưỡng, cách luyện tập dưỡng sinh để phòng ngừa đột quỵ".

Theo TS. Nguyễn Mạnh Thản, mỗi báo cáo khoa học đều mang sắc thái riêng, có cái nhìn riêng nhưng có điểm chung đó là kết quả nghiên cứu nghiêm túc, để đạt những tinh túy vô cùng quý giá giúp chúng ta có cách nhìn đúng về đột quỵ và cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả hơn. "Chúng ta đều cần có sức khỏe, bởi sức khỏe là tài sản vô cùng quý và lớn nhất của mỗi người, vì vậy, ngay từ bây giờ hãy chủ động chăm sóc sức khỏe. Có sức khỏe thì mọi ước mơ, hoài bão của chúng ta sẽ trở thành hiện thực. Không có sức khỏe thì từ cái nhỏ nhất cũng không làm nổi, nói chi những việc hữu ích lớn lao khác", TS. Nguyễn Mạnh Thản bày tỏ.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cùng bó hoa tươi thắm cho các diễn giả đã đồng hành cùng Hội thảo và lời cảm ơn sâu sắc. Mong rằng, những kiến thức đã được dày công nghiên cứu của các diễn giả sẽ mang đến cho người dân một cách nhìn khoa học, thực tiễn và đóng góp lớn trong việc dự phòng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện.