Thêm nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Sáng 2-6, UBND huyện Ba Vì phối hợp Công ty cổ phần Ao Vua, Viện nghiên cứu sức khỏe Người cao tuổi và Y tế cộng đồng tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe cộng đồng, nâng cao hiệu quả của y tế cơ sở bằng y học cổ truyền”.
Tọa đàm có gần 300 người tham dự, gồm các chuyên gia, nhà khoa học, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc đông y, nam y, đại diện Hội người cao tuổi ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Viện Nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi và Y tế cộng đồng cho biết: Dự kiến đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang là 73 nhưng tuổi khỏe mạnh của người cao tuổi chỉ đạt 63. Nếu không quan tâm tuyến y tế cơ sở thì người già là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất, ít được quan tâm, chăm sóc sức khỏe đúng nhu cầu. Trong khi đó, vấn để sức khỏe cộng đồng liên quan đến các bệnh mạn tính không lây như: Cơ, xương khớp, tiểu đường, tim mạch, các bệnh dịch mới nổi… có xu hướng gia tăng.
Theo bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam, nhiều sản phẩm thuốc đông y được bào chế bằng phương pháp hiện đại đang có tác dụng lớn trong chữa trị bệnh cho người cao tuổi với chi phí rẻ, không tác dụng phụ, tác dụng chữa bệnh lâu dài, cần được quảng bá, khuyến khích sử dụng.
Giảng viên cao cấp, Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Trương Việt Bình, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam đánh giá: Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều mô hình hay từ cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng và người cao tuổi. Do vậy, rất cần đánh giá, tổng kết kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng các mô hình phù hợp.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua cho biết, hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được các gia đình, xã hội chú trọng. Tuy nhiên, việc chăm sóc sao cho hiệu quả còn khó và lúng túng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Nếu như mỗi người dân, mỗi gia đình đều có ý thức chăm sóc sức khỏe hằng ngày, có kiến thức cơ bản sử dụng bài thuốc dân gian trong ăn uống, sinh hoạt, chất lượng cuộc sống sẽ tăng lên...
Thông qua tọa đàm, các chuyên gia nhận định, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cần thay đổi theo hướng: Xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình chữa bệnh đông y hay từ cơ sở, tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kiến thức chữa bệnh cho người cao tuổi bằng đông y... Chính quyền địa phương, ngành Y tế cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, gắn việc khám chữa bệnh bằng đông y và tây y kết hợp; mở rộng vườn thuốc nam tại các trạm y tế, hộ gia đình và có hướng dẫn sử dụng nhằm góp phần mang lại hiệu quả cao trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại gia đình, địa phương...