Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19”
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: Ngành Du lịch cả nước, đặc biệt là ngành Du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch Covid-19 - đây thực sự là điều rất đáng mừng. Nhưng mục tiêu để Thủ đô có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt được như mong muốn. Vì vậy, tọa đàm trực tuyến này chính là cơ hội để chúng ta đề cập đến sản phẩm du lịch, nhân lực du lịch, các yêu cầu về quảng bá du lịch…, bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành Du lịch Thủ đô.
Việc Báo Hànộimới và Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền giữa hai bên trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra rất nhiều cơ hội góp phần hỗ trợ sự phát triển của du lịch Thủ đô. Thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Thản hy vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục ký hợp tác với nhiều đơn vị khác, qua đó, du lịch Thủ đô sẽ được truyền thông rộng rãi, được hỗ trợ phát triển toàn diện cả về hạ tầng, giao thông, viễn thông, văn hóa cộng đồng, văn hoá doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực…
Qua chương trình tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Thản mong muốn nhận được nhiều tham vấn, thúc đẩy quảng bá trên các phương tiện truyền thông về các sản phẩm du lịch đã có của Hà Nội, xây dựng các sản phẩm trong tương lai, đề xuất những kiến nghị sát thực tiễn để hỗ trợ, tạo môi trường tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển.
Khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Nhìn nhận sau khi nước ta kiểm soát, khống chế được dịch Covid-19, bước vào phục hồi mọi mặt đời sống, du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng có những tín hiệu khởi sắc, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái cho biết, theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch nội địa thời gian gần đây vượt xa dự báo, trong khi lượng khách du lịch quốc tế vẫn thấp.
Theo ông Lê Hồng Thái, giai đoạn này dịch vụ du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, chiếm 80% tổng lượng khách. Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô.
Tận dụng nguồn nhân lực ngay trong nhân dân
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đầu tư cho du lịch là một trong những định hướng phát triển của huyện Ba Vì với sự hỗ trợ rất lớn từ Sở Du lịch Hà Nội, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Hànộimới. Trong năm 2019, du lịch Ba Vì đã đón hơn 3 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy vậy, trong khó khăn chung của du lịch trong nước và thế giới khi dịch Covid-19 xuất hiện, du lịch Ba Vì cũng chịu ảnh hưởng nặng. Lượng khách sụt giảm 50% trong năm 2020 và tiếp tục sụt sâu vào năm 2021.
Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, huyện Ba Vì đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo đà tăng trưởng cho du lịch địa phương, như xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tổ chức khai trương năm du lịch; tăng cường thông tin, quảng bá trên báo, đài… góp phần nhanh chóng mang lại những khởi sắc cho du lịch sau đại dịch. Đến nay, lượng khách tham quan trở lại với Ba Vì đã ghi nhận 1,9 triệu lượt người. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022, lượng khách sẽ vượt con số 2 triệu lượt người.
Để đạt được mốc này, Ba Vì xác định tiếp tục thúc đẩy du lịch địa phương thông qua xây dựng mô hình du lịch homestay, tổ chức tọa đàm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cho mô hình này ngày một hấp dẫn, có màu sắc riêng hơn. Huyện cũng xác định khó khăn lớn nhất hiện giờ của du lịch địa phương là về sản phẩm du lịch và vấn đề nhân lực. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng nguồn nhân lực ngay trong nhân dân sẽ là giải pháp ứng phó phù hợp cho giai đoạn này.
Sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trang trại, nghỉ dưỡng cuối tuần
Chia sẻ về tiềm năng thu hút thị trường khách trong nước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có số hội viên Hội Nông dân đông thứ ba cả nước, với gần nửa triệu hội viên. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội khá lớn. Vì vậy, để giúp các hộ nông dân chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp đơn thuần sang mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp với du lịch, cần thực hiện từng bước.
Hiện tại, Hội Nông dân thành phố đang từng bước hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác mô hình du lịch trang trại, nghỉ dưỡng cuối tuần. Hội Nông dân thành phố đã kiến nghị, đề xuất các doanh nghiệp tận dụng lao động nông nghiệp gắn với đào tạo nghề tại chỗ. Cùng với đó, gắn thực hiện quy hoạch với đầu tư hạ tầng, xây dựng mô hình nông nghiệp sạch. Có như vậy, sẽ vừa tạo ra chuyển biến trong phát triển kinh tế vùng, vừa tạo thêm thu nhập cho hội viên nông dân, vừa thu hút khách du lịch cho Thủ đô.
Tập trung cho loại hình du lịch trải nghiệm
Ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) đánh giá, du lịch nông nghiệp đã phát triển trên địa bàn Hà Nội được vài năm, nhưng chưa thực sự khởi sắc. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Du lịch và ngành Nông nghiệp, ông tin lĩnh vực này sẽ phát triển hơn.
Dưới góc nhìn của ngành Nông nghiệp, theo ông Trần Sỹ Tiến, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện thành phố có 806 làng nghề, trong đó có 318 làng đã được công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Để khai thác tiềm năng này cho phát triển du lịch, các cơ quan chức năng đã phối hợp thí điểm mô hình làng nghề kết hợp với du lịch tại 2 làng nghề là Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và Vạn Phúc (quận Hà Đông); đồng thời, đang tiếp tục khảo sát 18 làng nghề khác để nhân rộng mô hình này.
Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù. Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Nội đã công nhận được hơn 1.000 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm được đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao.
"Để mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề phát triển hơn, tôi cho rằng, trước hết, các cơ quan chức năng phải xây dựng quy hoạch du lịch tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là tiếp tục nhân rộng một số mô hình điểm, tương tự như mô hình tại làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc đang triển khai. Quá trình xây dựng mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp, làng nghề, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách; đồng thời cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành", ông Trần Sỹ Tiến nói.
Trong các loại hình có thế mạnh phát triển, theo ông, có thể tập trung cho du lịch trải nghiệm. Học sinh, sinh viên đang học tập trên địa bàn thành phố rất yêu thích mô hình này.
Du lịch nội địa tiếp tục là khâu đột phá
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong bối cảnh du lịch quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh do Covid-19, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang tiếp tục cho thấy là điểm đến an toàn, ứng phó tốt với những biến chuyển của dịch bệnh. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, du lịch nội địa vẫn là khâu đột phá để phát triển. Điều quan trọng là chúng ta phải kết nối các dịch vụ du lịch, tiếp tục ứng phó linh hoạt với dịch bệnh...
Trong bối cảnh đó, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu Covid-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý... Cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.
Đặc biệt, cần thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ công tác quảng bá du lịch, điểm đến.
Lượng khách quốc tế đến Hà Nội vẫn chưa được như kỳ vọng
Trao đổi tại tọa đàm, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo nêu, trong 9 tháng năm 2022, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt trên 15 triệu lượt, nhưng lượng khách quốc tế chỉ khoảng 990 nghìn lượt. Ngành Du lịch Thủ đô phải đối mặt với nhiều thách thức do Hà Nội còn chưa khai thác được sản phẩm du lịch một cách có trọng tâm, trọng điểm; chưa xây dựng được những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu Thủ đô; một số điểm du lịch đang xuống cấp; công tác xúc tiến quảng bá chưa xứng tầm… Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Thủ đô đang bị sụt giảm, nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt trầm trọng…
Với mục tiêu trong năm 2022, Hà Nội đón 1,2 triệu khách du lịch quốc tế và tăng thêm nữa trong thời gian tới, theo bà Phạm Diễm Hảo, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đồng hành với các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương để khắc phục những khó khăn, tổ chức tốt nhất cho việc đón khách du lịch.
Cụ thể, việc xây dựng sản phẩm du lịch rất quan trọng, do đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề có sẵn, như tour du lịch Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Đường Lâm… Trong đó, tăng cường những sản phẩm mới như tour đêm, tour du lịch mùa lúa chín, du lịch khinh khí cầu, du lịch thể thao…
Sở cũng sẽ mở lớp tập huấn cho nhân lực du lịch địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Sở sẽ rà soát các cơ sở lưu trú hiện tại bị xuống cấp để hỗ trợ các đơn vị có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng báo chí, mạng xã hội trong nước và quốc tế…
Cần chủ động kết nối thông tin, quảng bá du lịch
Nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm hội tụ báo chí của cả nước. Đây là nguồn lực thông tin, quảng bá rất lớn mà ngành Du lịch cần tranh thủ tận dụng để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, đưa báo chí trở thành cầu nối giữa du lịch với công chúng và du khách.
Để làm được điều này, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành cần chủ động hơn nữa trong việc thông tin tới các cơ quan truyền thông với đa dạng các hình thức hơn; chú trọng vào việc khách hàng cần gì, mong muốn gì để thông tin cho trúng và đúng.
"Du lịch đang có đà tăng trưởng đầy triển vọng, chắc chắn sẽ còn nhiều khởi sắc trong năm 2023. Trong bối cảnh cạnh tranh cao về thông tin, chính các cơ quan truyền thông cũng cần vào cuộc một cách chủ động hơn về thông tin để công tác này đạt chất lượng, góp phần tháo gỡ khó khăn sau đại dịch Covid-19", ông Kiều Thanh Hùng nói.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới để hút khách
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch sau Covid-19, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, với đặc thù của Làng cổ Đường Lâm, qua khảo sát cho thấy, phần lớn du khách đến với làng là đi du lịch theo gia đình hay nhóm nhỏ bằng phương tiện cá nhân, rất phù hợp với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bởi vậy, sau 2 năm bị đóng cửa bởi Covid-19, khi thị trường du lịch hoạt động trở lại, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Đăng Thạo, du lịch Sơn Tây chủ yếu là du lịch tâm linh, du lịch văn hóa nên đa số thời gian khách tham quan gói gọn trong vòng một ngày, do đó, địa phương đã chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú. Ngoài ra, địa phương cũng tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ... Cùng với đó là thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch qua các kênh thông tin báo chí, mạng xã hội. Bước đầu, những giải pháp này đã cho kết quả khả quan, khi 6 tháng qua, địa phương đã đón 25.000 lượt khách, lượng đặt phòng tăng 30%, lượng khách đang dần đi vào ổn định.
Tiếp tục đề xuất cơ chế, đổi mới cách làm, tìm hướng phát triển du lịch Thủ đô
Kết thúc tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới nhấn mạnh, các ý kiến tại tọa đàm thể hiện rõ trách nhiệm, tâm huyết cũng như sự trăn trở trước những vấn đề đặt ra. Buổi tọa đàm cũng tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị để hiến kế cho các cơ quan chức năng tìm giải pháp phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch Hà Nội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhận định, bức tranh về du lịch Thủ đô đã được khắc họa sinh động thông qua hội thảo ý nghĩa này.
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề cốt lõi để du lịch phát triển là yếu tố con người, nên các bên cần chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ du lịch. Với du lịch nông nghiệp, các gia đình trong vùng du lịch cần quan tâm tìm hướng phát triển, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Các gia đình phải liên kết với nhau, trong đó, không thể thiếu vai trò của quảng bá. Trên tinh thần đó, trong quá trình phối hợp, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cùng Báo Hànộimới tiếp tục trao đổi để đề xuất cơ chế, cách làm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.