Tọa đàm về phục hồi, bảo tồn và khai thác cây dược liệu tại Ba Vì

Tọa đàm về phục hồi, bảo tồn và khai thác cây dược liệu tại Ba Vì

Tọa đàm về phục hồi, bảo tồn và khai thác cây dược liệu tại Ba Vì

Sáng 19-7, tại Khu du lịch Ao Vua, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Báo Hànộimới phối hợp với UBND huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Ao Vua tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phục hồi và bảo tồn, khai thác cây dược liệu của các xã miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Vùng núi Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu

Với đặc thù thổ nhưỡng phù hợp, vùng núi Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu, như: Tam thất, diệp hạ châu… Từ xa xưa, những loài cây này được đồng bào ở địa phương sử dụng để điều chế thuốc chữa bệnh: Thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, viêm xoang... Đặc biệt, những cây dược liệu này thường được thu hái tại rừng vùng núi Ba Vì bởi rất ít loài có thể di thực về trồng ở vườn nhà dân.

Với xu hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng, nguồn dược liệu quý này đang bị khai thác quá mức, đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Trước thực tế trên, Báo Hànộimới phối hợp với UBND huyện Ba Vì và Công ty cổ phần Ao Vua tổ chức Tọa đàm về “Phục hồi, bảo tồn và khai thác cây dược liệu của các xã miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì gắn với xây dựng nông thôn mới”, nhằm phát huy tối đa giá trị cây dược liệu vùng núi Ba Vì trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe con người.

Tại buổi tọa đàm cũng bàn giải pháp hữu hiệu nhằm phục hồi, khai thác, bảo tồn, phát triển cây thuốc nam đặc hữu vùng miền núi Ba Vì; đề xuất các biện pháp cụ thể, tạo sinh kế bền vững từ cây dược liệu cho người dân bản địa, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Dự tọa đàm, về phía thành phố có: Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban dân tộc thành phố Hà Nội; bà Mai Minh Hương, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; bà Hồ Mai Anh, đại diện Sở Y tế Hà Nội.

Về phía huyện Ba Vì có các ông: Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì; Nguyễn Mạnh Thản, Tiến sỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Về phía Báo Hà Nội mới có Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức cùng lãnh đạo các phòng, ban, chuyên môn của Báo…

Tham dự tọa đàm còn có đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia về đông y và nhân dân các xã miền núi huyện Ba Vì có truyền thống trồng cây thuốc Nam.

Tiềm năng từ nguồn cây dược liệu chưa được phát huy tương xứng

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho biết: Vùng núi Ba Vì sở hữu trên 500 loài cây dược liệu quí và đặc hữu. Những loài cây này từ rất lâu đã được đồng bào địa phương sử dụng để điều chế thuốc chữa bệnh.

Được ví như "viên ngọc quý” của huyện Ba Vì, nhưng các loài cây dược liệu quý hiếm này đang dần cạn kiệt do quá trình thu hái, khai thác không bền vững diễn ra trong thời gian dài. Với xu hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng trở nên phổ biến, nguồn gen của các cây dược liệu quý hiếm trên vùng núi cao đại ngàn thậm chí đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do rất ít loài có thể di thực để trồng ở độ cao thấp tại vườn nhà.

Một thực tế đáng quan tâm khác, đa số các hộ làm thuốc tại Ba Vì có quy mô nhỏ lẻ nên không có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư bài bản nhằm sản xuất thuốc theo quy trình khép kín. Mẫu mã, bao bì và giấy tờ minh chứng chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng cũng chưa được các hộ sản xuất quan tâm đúng mức... Do đó, tiềm năng từ nguồn cây dược liệu quý giá này chưa được phát huy tương xứng và đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế. Sinh kế bền vững cho người dân nơi đây cũng vì vậy mà đứng trước không ít thách thức.

Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức cho biết: Nhằm phát huy tối đa những giá trị của cây dược liệu vùng núi Ba Vì trong việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe con người; đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, khai thác, bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý và đặc hữu vùng miền núi Ba Vì; cũng như đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tạo sinh kế bền vững từ cây dược liệu cho người dân, từ đó đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương; Báo Hànộimới phối hợp với UBND huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Ao Vua tổ chức tọa đàm “Phục hồi và bảo tồn, khai thác cây dược liệu của các xã miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Nguồn dược liệu Ba Vì đang bị khai thác tự phát, dần giảm đi

Chia sẻ về tiềm năng phát triển cây dược liệu huyện Ba Vì hiện nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, khu vực núi Ba Vì có nhiều tiềm năng lớn về thổ nhưỡng, địa lý để phát triển cây dược liệu. Thống kê, hơn 500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý và đặc hữu được người Dao dùng làm thuốc chữa bệnh. Ngoài nguồn nguyên liệu tại chỗ, người Dao còn lấy các cây thuốc ở các đồi Suối Hai, Đá Chông (Ba Vì)… và một số tỉnh phía Bắc như: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La... Điển hình nhất là thuốc Nam của người Dao chủ yếu sử dụng thân cây, cây dây leo, lá và củ.

Ba Vì hiện có 3 thôn: Hợp Sơn, Hợp Nhất, Yên Sơn được công nhận là làng nghề thuốc truyền thống. Hiện, nghề thuốc Nam phát triển cả 3 thôn, khoảng 80% gia đình trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu. Trong đó, thôn Yên Sơn có khoảng 250/250 hộ đều làm nghề thuốc và thôn được công nhận là Làng nghề thuốc Nam. Thôn Hợp Sơn có 271 hộ làm nghề thuốc. Ba Vì cũng thành lập Hội Đông y Ba Vì với trên 477 hội viên.

Hầu hết nguồn dược liệu Ba Vì được phát triển tự nhiên, khai thác tự phát nhiều năm nay, do đó, nguồn cây dược liệu dần giảm đi. Đáng chú ý có nhiều loại cây thuốc quý như: Hà thủ ô đỏ, cây huyết dòng, cây bổ máu… là các loại cây sống trên núi, được y học đánh giá cao, cần được bảo tồn.

"Tôi mong muốn buổi tọa đàm “Phục hồi, bảo tồn và khai thác cây dược liệu của các xã miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì gắn với xây dựng nông thôn mới” sẽ đề ra được các giải pháp để phát triển nguồn dược liệu quý của huyện Ba Vì", Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nói.

Ba Vì cần xây dựng vùng trồng dược liệu chuyên canh

Thông tin về tình hình phát triển cây dược liệu, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam Phạm Minh Củng, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết: Việc thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TW về công tác Y học đông y và phát triển Hội Đông y ban hành ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đạt được kết quả khả quan: Nhận thức của các cấp có chuyển biến tốt hơn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm, xây dựng. Công tác quản lý nhà nước; công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được quan tâm; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế được thực hiện nhiều hơn...

Ông Phạm Minh Củng cũng nêu một số vấn đề cần quan tâm liên quan công tác quy hoạch phát triển vùng trồng dược liệu; việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu; hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản nguyên liệu dược phẩm; có chính sách đặc thù về phát triển dược liệu, đặc biệt là đối với dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; phát triển dược liệu với quy mô công nghiệp... Để làm được, rất cần các cơ quan, ban, ngành chức năng như: Nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế, Hội Nam y, đông y, ngân hàng… vào cuộc để hỗ trợ.

Đối với địa bàn huyện Ba Vì, lãnh đạo huyện cần quan tâm hơn đến phát triển dược liệu trên địa bàn. Ngoài ra, hơn 500 cây thuốc của Ba Vì cần được khảo sát, kiểm kê lại, qua đó xác định được những cây thuốc quý, hiếm, có giá trị sử dụng, giá trị kinh tế cao để bảo tồn, phát triển, sử dụng hiệu quả. Đồng thời, huyện cần xây dựng vùng trồng dược liệu chuyên canh để giúp truy xuất nguồn gốc; đưa khoa học vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, sử dụng cây dược liệu an toàn, hiệu quả...

Nghiên cứu, chọn lọc cây thuốc quý, bài thuốc hay để bảo tồn và phát triển

Chia sẻ về giá trị cũng như hướng bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đông y Việt Nam nhấn mạnh:

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm, đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách để phát triển cây dược liệu. Ba Vì là huyện miền núi của Thủ đô có nguồn tài nguyên hết sức phong phú, cũng là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như người Mường, người Dao... Những cây thuốc, con thuốc của đồng bào dân tộc rất quý, đã được minh chứng trong chữa bệnh với những ông lang, bà mế giỏi. Bên cạnh y học hiện đại, y học bản địa và cây thuốc bản địa cực kỳ quý giá, được ví như vàng, như kim cương trong cát bởi vai trò quan trọng trong việc sản xuất thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

“Quan điểm của tôi là cần chọn lọc cây gì để phát triển, để bảo tồn. Nếu trồng ồ ạt, trồng xong thì người dân không biết bán cho ai. Do đó, rất cần chọn lọc, điều tra cơ bản các bài thuốc hay của đồng bào dân tộc Ba Vì để bảo tồn đi kèm với phát triển dược liệu. Tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện Ba Vì có nghiên cứu kỹ lưỡng để chọn ra các bài thuốc của đồng bào dân tộc, từ đó, chọn trồng các cây thuốc để phát triển các bài thuốc hay.

Mặt khác, chúng ta có nhiều bài thuốc nam rất hay nhưng do truyền thông kém nên ít được biết đến, nên rất cần các cơ quan báo chí truyền thông vào cuộc để nhiều người biết đến, lựa chọn sử dụng. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý đặc hữu”, Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc chia sẻ.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu

Nêu quan điểm về việc bảo tồn và phát triển nguồn cây dược liệu, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội cho rằng, Ba Vì là địa phương có rất nhiều tài nguyên để phát triển cây dược liệu nhưng đến nay, nguồn dược liệu đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt, nên phải có các biện pháp bảo tồn.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới việc trồng, bảo tồn cây dược liệu trên địa bàn thành phố, như: Quyết định số 4537/QĐ-UBND ngày 11-9-2023 về việc ban hành danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 4-6-2024 về phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố năm 2024-2025 ưu tiên 16 loại cây dược liệu, trong đó, Ba Vì có 4 loại cây dược liệu được ưu tiên phát triển. Đây là điều kiện để các địa phương hình thành và khôi phục những cây dược liệu quý.

Để cây dược liệu phát triển, trong thời gian tới, huyện Ba Vì cần hình thành vùng chuyên canh tập trung để kiểm soát chất lượng từ vùng trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Huyện đang có 8 xã có lợi thế phát triển cây dược liệu, nhưng cần quy hoạch cụ thể để mỗi xã trồng loại nào cho phù hợp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn chưa có cơ sở sản xuất dược liệu lớn nên cần ưu tiên các hộ trồng cây dược liệu. Các ngành chức năng cần thường xuyên mở các lớp tập huấn từ nuôi trồng, thu hái, chế biến theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Các sở, ngành tham mưu thành phố có chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu; nghiên cứu khoa học, phối hợp với các trường để các nhà khoa học chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân.

Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm tới vấn đề sản xuất cây dược liệu sạch, bởi doanh nghiệp rất lo ngại về việc trồng dược liệu nếu như đất trước đó đã sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Hoàn thiện hồ sơ 507 loại cây thuốc ở vùng núi Ba Vì

Nêu ý kiến về phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Ba Vì, Chủ tịch Hội Đông y Ba Vì Nguyễn Thị Minh cho biết, sau 20 năm hoạt động, Hội Đông y huyện Ba Vì có 500 hội viên ở 31/31 xã, thị trấn và một số thành viên thuộc cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, như: Trung tâm Y tế huyện, 31/31 trạm y tế xã, thị trấn, Công ty cổ phần Ao Vua…

Đối với cây dược liệu, Hội đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức điều tra nguồn dược liệu do các hội viên trồng, sử dụng, từ đó hoàn thiện hồ sơ 507 loại cây thuốc có trên vùng núi huyện Ba Vì; phối hợp với Viện Y học cổ truyền Việt Nam tham gia xây dựng đề tài cấp Bộ về Điều tra, thống kê các loại cây thuốc…

Đặc biệt, năm 2021, Hội Đông y huyện cùng Phòng Kinh tế huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH tư vấn và phát triển thương mại AMC Việt Nam tổ chức xây dựng thành công thương hiệu tập thể “Dược liệu và thuốc nam Ba Vì”, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đây cũng là cơ sở để phát triển dược liệu của huyện Ba Vì.

Tuy nhiên, việc phát huy thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng của cây dược liệu vẫn còn khó khăn, do diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện nhỏ, manh mún. Bà Minh đề nghị các cấp, ngành Trung ương, thành phố và huyện Ba Vì quan tâm đến hoạt động của Hội, quan tâm phát triển dược liệu Ba Vì, từ đó có sự chỉ đạo, quy hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu tập trung để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu.

Nuôi trồng kết hợp với nghiên cứu dược liệu

Đại diện cơ quan tham mưu cho thành phố trong phát triển kinh tế xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội đưa ra những giải pháp quan trọng để Ba Vì làm tốt công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu:

Trước hết, phải có các chủ trương, chính sách quyết liệt, đúng đắn của Nhà nước thông qua việc quy hoạch vùng trồng dược liệu hợp lý. Về vấn đề này, Hà Nội đã có quy hoạch rồi - đó là điều kiện để chúng ta thực hiện.

Hai là, cần có khảo sát, đánh giá, phân loại cây dược liệu cũng như chất lượng dược liệu để có hướng phát triển. Bên cạnh đó, cần có đánh giá, thống kê các bài thuốc dân tộc để từ đó xác định các cây dược liệu có giá trị, có tính chất đại trà làm thương mại, có chính sách bảo tồn và phát triển cây dược liệu giá trị cao.

Ba là, có định hướng cho việc nuôi trồng và bảo tồn dược liệu đang có sẵn trong tự nhiên. Việc nuôi trồng phải kết hợp với nghiên cứu.

Bốn là, thành phố nghiên cứu có đề án tổng thể phát triển cây dược liệu. Dưới góc độ huyện Ba Vì, cũng cần có đề án riêng xác định được chính sách đặc thù hỗ trợ phục hồi, bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý; có cơ chế thống nhất giữa địa phương, trung ương về sử dụng đất đai trong phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Năm là, bảo tồn dược liệu phải chú trọng đến phục hồi và phát triển cây dược liệu bản địa, có giá trị kinh tế cao.

Sáu là, có sự liên kết giữa nhà quản lý và doanh nghiệp, sự quyết tâm vào cuộc của các hộ gia đình, các nhà khoa học, ngân hàng. Đặc biệt, với huyện Ba Vì cần thêm sự tham gia của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Cuối cùng, đó là sự tham gia của các đơn vị truyền thông giúp khẳng định và lan tỏa sự vượt trội của dược liệu Ba Vì.

“Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô, Ban Dân tộc thành phố ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tại tọa đàm và sẽ tham mưu UBND thành phố để thực hiện tốt hơn công tác phục hồi, bảo tồn và khai thác cây dược liệu của huyện Ba Vì nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung trong phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào”, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết.

Hà Nội phấn đấu 100% bệnh viện đa khoa có khoa y dược cổ truyền

Đánh giá về việc khám, chữa bệnh theo y học cổ truyền hiện nay, đại diện Sở Y tế Hà Nội - bà Hồ Mai Anh cho biết: Những năm gần đây, y học cổ truyền được đánh giá cao trong khám, chữa bệnh hiện đại. Hiện, tỷ lệ khám, chữa bệnh theo y học cổ truyền ngày một cao, trong đó có huyện Ba Vì. Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu 100% bệnh viện đa khoa có khoa y dược cổ truyền, các phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn có bộ phận y, dược cổ truyền.

Xác định phát triển y học cổ truyền là hướng đến lợi ích của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm việc trồng, phát triển cây thuốc y học cổ truyền và đưa thầy thuốc y học cổ truyền về trạm y tế.

Về góc độ Sở Y tế, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, cấp phép, và quản lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất thành phẩm (thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế…) và kinh doanh sản phẩm dược liệu trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế sẽ phối hợp với Cục Quản lý y dược cổ truyền - Bộ Y tế và các sở, ngành liên quan trên địa bàn thành phố trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện GACP (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) tại các cơ sở trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu hoạt động trên địa bàn thành phố.

Năng suất cây dược liệu tăng bình quân 5,4%/ năm

Phát biểu tại tọa đàm, bà Mai Minh Hương, Phó Trưởng phòng kỹ thuật và chính sách nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, hiện nay, cây dược liệu của Hà Nội trồng chủ yếu tại các địa phương: Sóc Sơn (88 ha), Phú Xuyên (36,72 ha); Đông Anh (35 ha); Sơn Tây (31 ha); Quốc Oai (26 ha); Chương Mỹ (18,5 ha) và Ba Vì (13ha). Giai đoạn 2020-2023, diện tích trồng cây dược liệu có xu hướng giảm 11,75%/năm. Năng suất cây dược liệu của thành phố có xu hướng tăng từ 73,5 tạ/ha (năm 2020) lên 86,05 tạ/ha (năm 2023), tương đương tăng bình quân 5,4%/năm.

Nguồn gen dược liệu được trồng trên địa bàn thành phố khá đa dạng với khoảng 176 nguồn gen được gieo trồng trên địa bàn 16 quận, huyện của thành phố. Nguồn gen cây dược liệu chủ yếu tập trung tại hai huyện Sóc Sơn và Ba Vì. Đây là hai huyện miền núi có rừng, điều kiện thời tiết khí hậu rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như: Khôi tía, trà hoa vàng, thìa canh, kim ngân hoa, đương quy, cát cánh, sachi, bạc hà, tàu bay, đinh lăng, trà hoa cúc Nhật, mộc hoa, nhân trần…

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển cây dược liệu, các địa phương cần rà soát, nghiên cứu để cùng hỗ trợ cho nông dân. Đến nay, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đánh giá 458 loài thực vật được ghi nhận sử dụng làm thuốc trên địa bàn huyện Ba Vì, nên huyện cần nghiên cứu phát triển loại nào cho phù hợp.

Tuy nhiên, để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, huyện Ba Vì phối hợp với Vườn quốc gia Ba Vì để bảo tồn, nhưng bảo đảm theo Luật Lâm nghiệp. Hiện nay, Luật Thủ đô có nhiều quy định cởi mở cho phát triển nông nghiệp mới của Thủ đô, trong đó sẽ có nội dung phát triển cây dược liệu.

Để cây dược liệu tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư đẩy mạnh việc phát triển sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển dược; tuyên truyền kiến thức về nguồn gốc, tác dụng của dược liệu, nhất là các dược liệu của địa phương; quảng bá, xây dựng thương hiệu dược liệu và y dược cổ truyền, nhất là các sản phẩm dược liệu đặc trưng của thành phố…

Phát triển dược liệu kết hợp với xây dựng nông thôn mới

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua nêu quan điểm:

Giá trị dược liệu chiếm 70% giá trị sản phẩm liên quan đến đông dược. Việc phục hồi, bảo tồn, khai thác dược liệu rất quan trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả quốc tế, đây là vấn đề cần được quan tâm, có kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, cần ứng dụng “tư duy ngược” trong quy hoạch, đó là phải xem xã hội cần gì, thái độ ra sao, nhu cầu như thế nào, để xác định nên làm cái gì, làm như thế nào, có cơ chế chính sách liên quan, từ đó phát triển vùng trồng dược liệu mang lại giá trị cao.

Ông Nguyễn Mạnh Thản cũng đề xuất UBND huyện Ba Vì chủ trì về kế hoạch phát triển dược liệu Ba Vì; đưa ra nhiều phương án phát triển dược liệu phục vụ y học cổ truyền kết hợp với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế của huyện; quy hoạch vùng trồng dược liệu. Cần có tư duy, có thị trường, yêu cầu đăng ký nhãn hiệu bài thuốc, đăng ký sáng chế để cơ quan có liên quan cấp phép cho việc sử dụng sản phẩm như hàng hóa, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngăn chặn tình trạng sử dụng, sản xuất thuốc tự phát…